Kinh nghiệm trồng thông đen Nhật Bản

 

Giới thiệu về thông đen

Trước những năm của thế chiến thứ hai (1939-1945), dân Nhật thích bonsai thường lên núi đào mấy cây đẹp, cây còi về chơi. Thì cũng chẳng khác các bạn bên nhà hiện nay là mấy.

Có điều, thời này người Nhật không chuộng Thông đen bonsai. Lúc đó, người Nhật chỉ coi trọng Thông trắng Nhật Bản (Japanese White Pine, Pinus parviflora) và Thông đỏ Nhật Bản (Japanese Red Pine, Pinus densiflora). Với họ, Thông đen Nhật Bản không có nét quý phái, thanh tao như Thông trắng, Thông đỏ. Thông đen, từ thân với vỏ nứt toác, lá thô và cứng như dáng vẻ của một lực điền. Nhưng họ vẫn gieo hạt thật nhiều thông đen để lấy gốc ghép thông trắng, vì thông trắng không có vỏ đẹp và sức phát triển rất yếu.

 

Sau đệ nhị thế chiến, người Nhật thua trận, kinh tế đình trệ. Song song với việc một số rất đông quân đội Hoa kỳ còn đang đóng lâu dài tại Okinawa, việc bán những cây bonsai cho người Mỹ đã lóe ra một hướng buôn bán mới. Thế là, dân Nhật đổ xô lên núi đào cây Juniper shimpaku (Juniperus sergentia) về làm bonsai bán. Được vài năm, Nhật Hoàng sợ tiêu tán hết rừng núi nên ra lệnh cấm chỉ. Không cho phép bất kỳ ai lên núi đào bất cứ cây gì.

Thế là chỉ còn 3 đường để tạo cây giống: gieo hạt, chiết từ những cây mang từ núi về trồng, và giâm cành. Chiết và giâm cành thì cây Juniper chịu được, còn ươm hạt Juniper thì không ăn. Trăm hạt chưa được một. Nhưng Thông đen thì khác. Thông đen gần như không chiết được ra hồn, giâm cũng không được, chỉ còn cách gieo hạt. Mà Thông đen thì 10 hạt lên gần như cả 10.

Lại nữa, sau chiến tranh, qua những suy thoái, Nhật Hoàng ra lệnh cải cách dân tình: dẹp bỏ những gì có tính yếu đuối, ca tụng những điều mạnh mẽ, ủng hộ việc phụ nữ lấy chồng Hoa kỳ hoặc người ngoại quốc để mong dân tộc Nhật bổn mạnh mẽ, cao to hơn.

Thế là, cây Thông đen Nhật bản trở thành ứng viên hàng đầu cho phong trào cải cách trong lãnh vực nghệ thuật bonsai vì tính mạnh mẽ của thân của lá. Giá trị của cây Thông đen được nâng cao rất nhanh. Số lượng Thông đen bonsai tăng tới mức tràn ngập.

Đồng thời, qua thế mọc zích zắc tự nhiên của cây Thông đen, dân Nhật nghiệm ra rằng: cái kiểu zích zắc này rất bắt mắt và gần như có thể đem áp dụng cho hầu hết các giống cây. Thế là cây nào cũng zích zắc.
Thế là cùng với Shimpaku (duyên tùng), loại Đỗ quyên đặc biệt riêng của Nhật là Satsuki (kết quả do phối giống cũng phát mạnh nhờ người Nhật vừa tìm ra được loại đất sét rât nhẹ là Kanuma cho Đỗ quyên), và Thông đen bắt đầu thống lĩnh thị trường.

Lúc đó, người Nhật bắt đầu phát động phong trào bonsai với Thông đen Nhật Bản. Họ gọi Thông đen là “vua của các loại bonsai” (the King of bonsai trees), Japanese Maple là “bà Hoàng của Bonsai” (the Queen of bonsai trees), Satsuki là Công chúa của bonsai.
Từ đó cho đến nay, những cây bonsai Thông đen thường có giá trị cao, có lẽ bởi vẻ đẹp đầy “nam tính” của nó.

Liệu thông đen có thể trồng ở Việt Nam?

Thông đen Nhật Bản (Pinus thunbergii, Japanese Black Pine) chúng ta nói chuyện ở đây thì chắc chắn là có rất nhiều hiểu lầm cần được xác định thật rõ. Bởi mình dám nói chắc chắn (qua một số điều các bạn trao đổi về cây Thông các loại trên diễn đàn) là số người chơi Thông bonsai chưa nhiều. Chưa nhiều (theo mình) đa số là do hiểu lầm chưa dám chơi vì hình như đa số các bạn đều nghĩ : vùng nóng trồng Thông không tốt?

Thưa với các bạn: những tìm tòi phát kiến của mình về trồng Thông đen Nhật bản vùng nóng như Sài gòn đã chứng minh được điều ngược lại.
Thông đen Nhật bản sống và phát triển ở những vùng như Sài Gòn mạnh mẽ xanh tốt, và lớn nhanh gấp đôi vùng lạnh như Lâm Đồng, Đà Lạt. Điểm chính là nắng và sương.

Đà lạt thừa hơi nước ban đêm (sương), nhưng thiếu nắng ban ngày. Thời gian chiếu sáng và cường độ chiếu sáng thấp (chỉ bằng cỡ 1/4 Sài Gòn). Kết quả: Thông Đà lạt bung đọt 1 lần 1 năm.

Nếu bạn trồng thông đen ở Sài Gòn, cây Thông dư nắng nhưng thiếu sương đêm. Cây không phát tốt. Vậy nếu bạn phun sương đêm cho cây Thông như ở Đà Lạt, cây được thỏa cả hai điều kiện: nắng nóng ban ngày và sương ướt lá ban đêm: cây Thông của bạn phát tốt tời 2 lần bung đọt 1 năm.


Còn như bạn ở Sài Gòn, cho cây Thông sương đêm, lại tạo đủ điền kiện cho rễ có chỗ chạy (ở đây không hề có nghĩa là chậu to, chậu to cây thông càng dễ chết!) thì cây thông trẻ của bạn mỗi năm vọt đọt hai lần, mỗi lần 50 cm. Tổng cộng 1 năm 1 mét cũng là chuyện bình thường.

Vậy làm thế nào để tạo “sương đêm”? Đơn giản thôi, cứ cách 2 tiếng bạn cầm bình xịt nước phun 1 loạt. Ví dụ đi làm về 7h phun 1 lần, ăn cơm xong 9h phun 1 lần, trước khi đi ngủ 11h chạy ra phun lần nữa. Hoặc nếu có điều kiện thì lắp hệ thống phun sương tự động cứ 2h phun 1 lần kể từ chập tối. Đó là nói phương pháp tối ưu, còn nếu bạn cảm thấy cách rách quá thì ngày phun 1 lần và buổi tối là cũng tốt lắm rồi.

Bạn thấy ham chưa? Vậy bây giờ câu hỏi xuất hiện trong đầu bạn sẽ là “mua hạt thông đen ở đâu” đúng không? Nếu lên google tìm kiếm với từ khóa “bán hạt thông đen” bạn sẽ thấy khá nhiều kết quả, giá dao động trong khoảng 1500đ/hạt tới 2000đ/hạt. Theo những người đã làm chia sẻ thì dù bạn mới làm lần đầu tỷ lệ nảy mầm thành cây thông con cũng đạt 50%, trừ hao đi các quá trình về sau nữa thì cũng đạt 20-30%, tính ra để có 1 cây thông đen con con khá rẻ: 10.000đ/cây. Tính sơ bỏ ra 1 triệu đồng mua hạt+rổ+vài thứ linh tinh là có 50 cây thông đen để chơi rồi. Mà 50 cây này nếu chăm tốt thì 10 năm sau có thể thành vài trăm triệu.

Tuy nhiên đừng đọc bài thấy hay mà vội ngứa ngáy tay chân đi mua hạt ngay bây giờ. Bởi bây giờ họ bán hạt cũ thu hoạch từ năm trước. Hãy đợi tới tháng 10 mua hạt là tốt nhất. Không nên mua muộn hơn bởi tuy sang đầu xuân năm tới mới gieo hạt nhưng bạn cần làm vài công tác chuẩn bị trước đó 3 tháng.

 Theo http://bonsaininhbinh.com

Liên hệ ngay !
Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Sint ipsum nostrum delectus, repre henderit porro quibusdam recusandae cumque, qui cum nisi rerum possimus sunt! Porro placeat autem ratione, tempore omnis voluptatum.